HÌNH THỨC MUA/THUÊ/THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ GÌ???

Xin chào bà con, tôi admin blog Định cư Hà Nội đây.

Tôi đã hướng dẫn nhiều bài trên Group Thông tin về Nhà ở Xã hội và Chung cư ở Hà Nội nhưng vẫn thấy nhiều bà con mới vào thắc mắc và phân vân giữa hình thức Thuê và Thuê mua Nhà ở xã hội quá. Hôm nay tôi sẽ dành thời gian để viết thật kỹ, thật rõ, thật cụ thể về các hình thức này để bà con được nắm rõ ràng, dễ hiểu, rành mạch nhất.

 

(lưu ý trong bài viết này tôi chỉ nói về Những dự án nhà ở xã hội để ở, không nói đến những dự án nhà ở xã hội thuần cho các đối tượng Công nhân, Sinh viên thuê... bà con nhé.)


Đầu tiên, nếu đây là lần đầu tiên bạn tìm hiểu về Nhà ở xã hội hoặc đang tìm hiểu để lựa chọn căn hộ chung cư, bạn cần đọc bài viết sau đây của tôi để có thể hiểu rõ hơn: Phân biệt Nhà ở Xã hội và Chung cư thương mại giá rẻ. 

Sau khi đã hiểu rõ Nhà ở Xã hội là như thế nào rồi, tiếp tục tôi sẽ chỉ cho bạn các hình thức để có thể sở hữu được căn nhà ở xã hội (với những điều kiện hạn hẹp mà bạn có).

HÌNH THỨC MUA:

Như cái tên của nó, hình thức này sẽ giúp bạn thành chủ nhân chính thức của căn hộ chung cư, ngay sau khi ký hợp đồng mua bán với Chủ đầu tư, tuy nhiên bạn sẽ phải đóng 100% giá trị căn hộ theo tiến độ cho đến khi nhận bàn giao nhà. Ưu điểm của hình thức này là: làm chủ ngay, Nhược điểm là: phải đóng 100% tài chính luôn. Và một điểm nữa là những căn xã hội bán thì thường là những căn có diện tích lớn, phù hợp với những gia đình có mức tài chính cao, muốn không gian rộng rãi thoải mái hơn.

HÌNH THỨC THUÊ/THUÊ MUA:

Cách đây nhiều năm thì có một số dự án có cả 2 hình thức này, nhưng hiện giờ hầu như chỉ còn hình thức Thuê, về bản chất 2 hình thức này cũng đều là một, chỉ khác nhau ở cách thức trả dần khoản nợ:

- Với hình thức Thuê mua thì bà con sẽ trả trước 50%, và số tiền còn lại bà con trả trong vòng 5 năm, mỗi tháng sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi, cho đến 5 năm sau là hết cả gốc cả lãi thì sẽ chính thức đứng tên sở hữu căn hộ. Hình thức này tương đương với vay ngân hàng theo dạng dư nợ giảm dần.



- Với hình thức Thuê thì bà con trả trước 50% khi ký hợp đồng thuê, còn 50% 5 năm sau bà con trả nốt và khi đó mới ký hợp đồng mua bán, mỗi tháng bà con sẽ trả cho chủ đầu tư một khoản thuê nhà - tương đương với khoản lãi cho 50% còn lại (lưu ý: khoản thuê thông thường sẽ đóng 1 năm hoặc 2 năm 1 lần). Vì hiện giờ chỉ còn hình thức này, nên tôi sẽ nói kỹ hơn về hình thức này để bà con có thể nắm rõ. Lôi giấy bút, sổ sách ra nhẩm tính thì đâu đó vay mua với hình thức này khá phù hợp cho những gia đình vợ chồng trẻ, với số tiền thấp (chỉ 300-400 triệu là đóng trước 50% cho những căn hộ nhỏ tầm 45-50m2 có 2 phòng ngủ rồi), lãi suất tính ra cũng chỉ đâu đó trong khoảng 6-7% (lưu ý đây chỉ là con số tôi nhẩm tính sơ, còn thực tế có thể thấp hoặc cao hơn, tuy nhiên như vậy đã là rất thấp so với đi vay ngân hàng rồi.) Một điểm lưu ý là thường các căn hộ cho Thuê thường có diện tích nhỏ hơn căn hộ Bán.

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ CÂU HỎI THẮC MẮC CỦA BÀ CON CHO HÌNH THỨC THUÊ:

Mua theo hình thức Thuê liệu có an toàn không?
Trả lời: An toàn, vì có hợp đồng Thuê, có hợp đồng đặt cọc tiền, đầy đủ pháp lý theo đúng quy định của Nhà nước.

Liệu 5 năm sau, chủ đầu tư họ không bán cho mình nữa thì sao?
Trả lời: trong hợp đồng Thuê, bà con cần làm rõ với chủ đầu tư về điều khoản này. Thông thường, Chủ đầu tư sẽ có điều khoản cam kết, sẽ ưu tiên người thuê căn hộ này sau 5 năm nữa được mua chính căn hộ đó, nếu có nhu cầu?

5 năm sau lỡ họ bán giá cao hơn thì sao?
Trả lời: điều này cũng đã có trong hợp đồng, thông thường chủ đầu tư sẽ cam kết giá không thay đổi, và sẽ có thêm phần khấu hao 5% cho người mua sau 5 năm.

>>>Xem thêm: Thủ tục và giấy tờ cần chuẩn bị để Mua/Thuê Nhà ở xã hội

Nếu bài viết có ích bà con hãy cho tôi biết bằng cách like, bình luận ở phía dưới, để tôi tiếp tục chia sẻ những chủ đề tương tự. Nếu thiếu sót, hoặc không hữu ích cũng hãy cho tôi biết phía dưới phần bình luận, để tôi cải thiện nhé.


HÌNH THỨC MUA/THUÊ/THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ GÌ??? HÌNH THỨC MUA/THUÊ/THUÊ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ GÌ??? Reviewed by kdt1811 on 6/29/2020 08:35:00 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.